Phẫu thuật là phương pháp điều trị thường được dùng cho những người mắc ung thư bàng quang. Quá trình phổ biến nhất của mỗi ca phẫu thuật ung thư bàng quang bao gồm các bước sau:
Cắt u qua niệu đạo: phương pháp này thường được sử dụng điều trị ung thư bàng quang qua bề mặt. Bác sĩ đưa ống soi vào trong bàng quang qua đường niệu đạo. Khối u được cắt bỏ bằng một vòng dây nhỏ và bất kỳ tế bào ung thư nào còn tồn tại sẽ được đốt cháy bằng dòng điện. Cũng có thể sử dụng tia laser để thay thế dòng điện.
Khi phẫu thuật cắt u qua niệu đạo có thể để lại một số tác dụng phụ. Người bệnh có thể có máu trong nước tiểu hoặc đau khi đi tiểu một vài ngày sau khi phẫu thuật
Cắt bàng quang bán phần:
Phương pháp này thường được sử dụng khi khối u xâm lấn một phần của bàng quang. Sử dụng phương pháp này nhằm cắt phần bàng quang bị ung thư. Bác sĩ tạo một đường rạch trên bụng để tiến hành phẫu thuật. Người bệnh sẽ được tiêm thuốc tê thông thường và có thể phải ở viện theo dõi 1- 10 ngày.
Người bệnh sau khi được phẫu thuật bằng phương pháp này có thể sẽ đi tiểu thường xuyên trong suốt một thời gian dài.
Cắt bàng quang triệt để:
Khi bàng quang bị các tế bào ung thư xâm lấn hoặc ung thư bề mặt ảnh hưởng đến phần lớn của bàng quang thì đây là phương pháp hữu hiệu được sử dụng. Bác sĩ tiến hành cắt toàn bộ bàng quang cũng như hạch bạch huyết xung quanh và một phần niệu đạo.
Ở nam giới: có thể phải cắt cả tuyến tiền liệt, túi tinh và một phần của ống dẫn tinh.
Ở nữ giới: có thể phải cắt bỏ buồng trứng, vòi trứng và một phần âm đạo.
Sau khi phẫu thuật triệt căn bàng quang, người bệnh có thể được tạo 1 bàng quang mới hoặc một cái túi ở bên trong hoặc bên ngoài để thu nước tiểu.
Phẫu thuật triệt căn bàng quang có thể ảnh hưởng đến khả năng đi tiểu và khả năng tình dục của người bệnh. ở phụ nữ có thể mất khả năng sinh con và mãn kinh ngay sau đó.