Phương pháp điều trị không chỉ phụ thuộc vào loại mô học của ung thư da mà còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh, tuổi tác, giới tính và tình trạng sức khoẻ của người bệnh.
1. Phẫu thuật
Đây là phương pháp áp dụng cho tất cả các loại da. Vùng da bị ung thư sẽ được cắt bỏ và thay thế bằng các mô da bình thường. Trong trường hợp là ung thư hắc tố thường phải khoét rộng hơn do mô ung thư đã bị thâm nhập sâu hơn.
2. Phương pháp Dao lạnh
Biện pháp dao lạnh thực chất là biện pháp điều trị khối u bằng nhiệt độ cực lạnh. Làm cho các khối u rơi vào trạng thái thiếu máu thiếu dưỡng khí cục bộ, bị đông cứng và hoại tử. Sau khi tế bào vùng này bị tan ra thì mô chết sẽ rụng đi. Có thể làm đông nhiều lần để loại bỏ hoàn toàn khối u. Phương pháp này hầu như không gây đau đớn trong quá trình tiến hành, nhưng có thể sẽ bị sưng lên và đau khi những vùng này tan ra.
3. Phẫu thuật Moh
Đây là một loại phẫu thuật đặc biệt có thể dùng để cắt bỏ toàn bộ mô ung thư với lượng mô lành bị cắt ít nhất. Khi chưa xác định được chắc chắn về hình dạng và độ sâu của khối u thì đây là phương pháp hữu hiệu nhất để cắt bỏ khối u. Bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ và các bác sĩ tiến hành nạo đi từng lớp mỏng cho đến khi khối u được cắt bỏ.
4. Liệu pháp Laser
Đây là phương pháp sử dụng một chùm tia sáng hẹp để phá huỷ tế bào ung thư. Phương pháp này cũng có thể sử dụng để điều trị ung thư ở lớp ngoài ra.
5. Chiếu xạ
Liệu pháp này sử dụng tia có năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư và ngăn không cho chúng phát triển. Ở những vùng khó tiến hành phẫu thuật thì chiếu xạ là phương pháp hữu hiệu để điều trị ung thư. Chiếu xạ có thể làm da phát ban hoặc làm da ở vùng điều trị bị khô hoặc tấy đỏ. Sau khi điều trị da có thể thay đổi màu sắc hoặc bề mặt.
6. Hoá trị liệu khu trú
Đây là phương pháp sử dụng thuốc điều trị ung thư dạng kem hoặc dạng nước để bôi ngoài da. Phương pháp này chỉ được sử dụng khi ung thư ở lớp trên cùng của da. Trong quá trình điều trị da có thể bị viêm nhưng thường sẽ không để lại sẹo.
Đa số các trường hợp ung thư da đều có thể chữa khỏi, nhưng vẫn có thể sẽ bị lại vào các vị trí khác trên cơ thể. Chính vì thế, bệnh nhân cần theo dõi và định kỳ đến gặp bác sĩ để khám và được tư vấn tốt nhất nhằm hạn chế nguy cơ tái phát của bệnh.